Ngày đăng 21/08/2023
1. HỆ VI SINH VẬT VÀ PROBIOTICS
1.1. Hệ vi sinh ở da ở da
Da người có hơn 1000 loài vi khuẩn, mỗi loại thích nghi với một vi môi trường đặc biệt. Hầu hết là vi khuẩn cộng sinh, không có hại với vật chủ, tạo ra một môi trường đa dạng, có vai trò trong việc phòng và tiêu diệt các vi khuẩn có hại.
1.2. Hệ vi sinh đường ruột
Ruột có hơn 500 loài vi khuẩn khác nhau, bao gồm vi sinh vật có lợi và gây bệnh tồn tại như một hệ sinh thái nhưng không gây ra biểu hiện nhiễm trùng nào trên cơ thể khoẻ mạnh nhờ cơ chế điều hoà miễn dịch tại chỗ. Các tế bào miễn dịch ở ruột chiếm tổng số 80% các tế bào miễn dịch trong cơ thể người và hệ vi sinh đường ruột đóng vai trò quan trọng trong việc hoạt hoá các tế bào miễn dịch đó. Sự bất ổn trong hệ vi sinh đường ruột thúc đẩy quá trình viêm mãn tính, tạo ra các yếu tố tạo u. Do vậy, hệ vi sinh vật khoẻ mạnh có thể phòng các bệnh ác tính, hoạt động như những chất chống oxy hoá, thúc đẩy hệ miễn dịch chống lại tế bào ung thư, giảm phản ứng viêm thông qua tế bào T điều hoà.
Hệ vi sinh vật cũng có thể ảnh hưởng đến phản ứng viêm hệ thống, stress oxi hoá, điều chỉnh đường huyết… Hệ vi sinh đường ruột bất thường được phát hiện trong bệnh da viêm như hội chứng viêm khớp – da – ruột, trứng cá đỏ. Vì vậy, điều hoà hệ vi sinh đường tiêu hoá thông qua probiotic uống có thể ảnh hưởng gián tiếp tích cực đến các bệnh da.
1.3. Probiotics
Probiotics có nghĩa là “cho cuộc sống” (for life) đã được con người sử dụng từ lâu như những thành phần có lợi cho sức khoẻ (sữa chua, các thực phẩm lên men…). Có rất nhiều định nghĩa về probiotics tuy nhiên định nghĩa hay được sử dụng nhất trong các nghiên cứu lâm sàng về probiotics hiện nay là định nghĩa của Tổ chức thực phẩm và nông nghiệp và Tổ chức Y tế thế giới (FAO/WHO năm 2001). Theo định nghĩa này, Probiotics là “vi sinh vật sống khi đưa một lượng cần thiết đầy đủ vào cơ thể đem lại hiệu quả có lợi cho cơ thể”.
Ban đầu probiotics được lựa chọn với tiêu chí là tạo một môi trường tốt cho sự lên men thực phẩm, nhưng ngày nay với những hiểu biết của khoa học hiện tại, tiêu chí lựa chọn probiotics có nhiều thay đổi. Các probiotics sử dụng trên lâm sàng phải đạt được đủ các tiêu chuẩn:
- Có khả năng tồn tại: Probiotics phải bền vững với dịch dạ dày và mật
- Có khả năng khu trú: Probiotics phải bám chặt được vào niêm mạc và sống trong đường tiêu hoá
- Có tính bền vững: Probiotics phải có đặc tính của chủng và tồn tại suốt chu kỳ sống
- Liều lượng và khuyến cáo sử dụng phải dựa trên bằng chứng khoa học
Sự phát triển của hệ miễn dịch trên trẻ sơ sinh khoẻ mạnh phụ thuộc một phần vào hệ vi sinh đường ruột thông qua các receptors, đặc biệt là toll-like receptor, các vi khuẩn ở ruột gây ảnh hưởng tới các tế bào biểu mô ruột có chức năng quyết định sự biệt hóa của tế bào lympho T và các kháng thể đáp ứng với kháng nguyên phụ thuộc tế bào T, điều hòa sự đáp ứng miễn dịch tại ruột. Sự khư trú của các vi khuẩn trong hệ vi sinh đường ruột chịu trách nhiệm cho sự bài tiết các IgA tiết đáp ứng với các kháng nguyên trên bề mặt tế bào niêm mạc ruột. IgA tiết là thành phần quan trọng nhất trong sự đáp ứng miễn dịch kháng nguyên – kháng thể ở niêm mạc ruột. Sự khư trú các vi sinh đưởng ruột còn có chức năng điều hòa tỷ lệ đáp ứng của hai loại tế bào T hỗ trợ Th1 và Th2 do đó giảm các biểu hiện tăng đáp ứng miễn dịch như trong bệnh dị ứng hay các bệnh lý khác.
2. VÀI TRÒ CỦA PROBIOTICS TRONG MỘT SỐ BỆNH DA
2.1. Viêm da cơ địa
Trong viêm da cơ địa, rối loạn chức năng của hàng rào da và rối loạn điều hoà miễn dịch tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Trong viêm da cơ địa, có sự tăng số lượng tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), giảm các vi khuẩn cư trú khác. Một nghiên cứu gần đây cho thấy giảm sự đa dạng hệ vi sinh vật trong viêm da cơ địa, mức độ giảm này có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh: trong giai đoạn nặng thấy tỉ lệ tụ cầu vàng cao, trong những trường hợp nhẹ hơn thấy chủ yếu là tụ cầu da. Hệ vi khuẩn đường ruột cũng có liên quan đến viêm da cơ địa, ở những trẻ mắc viêm da cơ địa có liên quan đến IgE cũng giảm sự đa dạng trong hệ vi khuẩn đường ruột.
Một nghiên cứu gần đây trên 1070 trẻ em được chẩn đoán viêm da cơ địa, được điều trị bằng Lactobacillus fermentum, Lactobacillus salivarius và một số loại khác. Kết quả cho thấy giảm số điểm SCORAD có ý nghĩa.
Nakatusji và cộng sự chứng minh rằng, bôi tại chỗ các vi khuẩn cộng sinh có tác dụng chống lại các vi khuẩn gây bệnh khác. Bôi Lactobacillus johnsonii tại chỗ 2 lần/ngày trong 3 tuần có tác dụng làm giảm số lượng tụ cầu vàng, đồng thời giảm điểm SCORAD. Một nghiên cứu khác dùng Vitreoscilla filiformis cũng làm giảm triệu chứng của viêm da cơ địa.
2.2. Trứng cá thông thường
Trứng cá có liên quan đến vi khuẩn Cutibacterium acnes (trước đây gọi là Propionibacterium acnes). Sự thay đổi của hệ vi sinh đường ruột có ảnh hưởng đến cơ chế bệnh sinh của trứng cá, thông qua trục ruột-da. Một nghiên cứu kết hợp Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus delbrueckii bulgaricus và B. bifidum cho thấy có hiệu qủa tương tự minocycline, giảm 67% tổn thương sau 12 tuần và rất ít tác dụng phụ. Kết hợp probiotic uống và minocyclin cho hiệu quả tốt hơn. Một nghiên cứu khác dùng L. bulgaricus và S. thermophilus trong 12 tuần có hiệu quả làm giảm 30% tổn thương viêm. Mức độ tiết dầu cũng giảm ít nhất 50% ở bệnh nhân uống probiotic. Một nghiên cứu gần đây sử dụng L. rhamnosus SP1 trong 12 tuần có giảm mức độ mụn lưng có ý nghĩa so với nhóm giả dược.
Một số nghiên cứu gần đây cho thấy C.acnes có nhiều loại phylotype, trong đó có loại (IA-2 với yếu tố plasmid, IB-1, I-C) liên quan đến trứng cá, kích thích tế bào Th1, đáp ứng Th17, còn các loại khác (II-ribotype 6, III) lại liên quan đến da khoẻ mạnh, Th1 thấp, giảm đáp ứng Th17 nhưng lại tăng IL-10. Từ đó, nhiều giả thuyết cho rằng dùng probiotic bôi có tác dụng điều trị và phòng bệnh, thay thế các phylotype gây bệnh cơ hội. Tuy nghiên, các nghiên cứu còn hạn chế. Một nghiên cứu dùng bột chứa Enterococcus faecalis SL-5 bôi cho bệnh nhân trứng cá trong 8 tuần, thấy giảm viêm 60%. Một nghiên cứu mới pha IIb/III chứng minh rằng, bôi Nitrosomonas eutropha 2 lần/ngày trong 12 tuần giảm 2 điểm về bảng IGA trong trứng cá so với nhóm chứng, giảm các tổn thương viêm. Tuy nhiên, vì không phải là loài tự nhiên trên da, khi dừng, tổn thương tái phát. Ngược lại, dùng S. epidermidis gel bôi 2 tuần/tuần làm thay đổi hệ vi sinh vật của da, dẫn đến rối loạn. Vì vậy, dùng S. epidermidis phù hợp hơn N. eutropha, vì S. epidermidis còn có tác dụng ức chế C. acnes phát triển trong ống nghiệm.
Probiotic bôi tại chỗ chứa Bacteriophage C. acne có thể thay đổi hệ vi khuẩn có hại trên da.
2.3. Vảy nến
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, rối loạn hệ vi sinh vật ở da có thể kích hoạt con đường Th17 trong vảy nến. Vài nghiên cứu chứng minh có sự khác biệt về hệ sinh vật ở vùng da có tổn thương vảy nến (giảm đa dạng hơn) so với vùng da lành. Tổn thương vảy nến hay gặp Actinobacteria, ngược lại ít gặp Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes hơn so với da lành.
Cho đến nay, dữ liệu về hiệu quả của probiotics ở vảy nến còn nhiều hạn chế. Một nghiên cứu dùng Bifidobacterium infantis trong 8 tuần ở bệnh nhân vảy nến làm giảm có ý nghĩa nồng độ CPR, TNF-alpha, nhưng không có sự khác biệt về lâm sàng. Tuy nhiên, ở mô hình vảy nến ở chuột, dùng Lactobacillus pentosus GMNL-77 đường uống làm giảm TNF-alpha, IL-23, IL-17, làm giảm tổn thương dát đỏ bong vảy.
2.4. Viêm da dầu
Viêm da dầu được coi là đáp ứng viêm với acid béo tự do sản xuất bởi nấm Malasssezia, kí sinh ở da. Nồng độ Malassezia không liên quan đến mức độ nặng của bệnh nhưng khi giảm số lượng nấm, bệnh có giảm. Giảm độ đa dạng vi khuẩn có liên quan nhiều hơn đến độ nặng của bệnh. Vì vậy, các nhà khoa học bắt đầu đánh giá hiệu quả của probiotics trong viêm da dầu. Dùng V. filiformis bôi tại chỗ làm giảm ngứa đỏ, vảy ở một nghiên cứu mù đôi trên 60 bệnh nhân. Vitreoscilla filiformis làm tăng sản xuất IL-10 bởi tế bào gai và tăng hoạt động của T điều hoà. Bệnh nhân uống L. paracasei cũng làm giảm triệu chứng có ý nghĩa, giảm gàu, đỏ. Tương tự với Vitreoscilla, L. paracasei kích thích sản xuất IL-10 qua yếu tố phát triển trung gian – beta, dẫn đến các giả thuyết về dùng vi probiotics uống và bôi trong viêm da dầu.
2.5. Lành thương
Phản ứng viêm kéo dài và rối loạn hệ vi sinh ở da làm chậm lành thương. Probiotic có thể có tác động tích cực lên quá trình lành thương do điều hoà các phản ứng viêm và ức chế các vi khuẩn có hại.
Lactobacillus plantarum và L. fermentum bôi tại chỗ làm giảm phản ứng viêm và thúc đẩy lành thương nhanh hơn. Một vài nghiên cứu trên người chứng minh rằng những probiotics này cũng có lợi cho các vết loét mạn tính. L. plantarum làm giảm lượng vi khuẩn, làm loét đái tháo đường và không phải do đái tháo đường lành nhanh hơn, thông qua điều hoà IL-8, đại thực bào, nguyên bào sợi. Tương tự, probiotic đường uống chứa Lactobacillus cũng có hiệu quả trong điều trị loét mạn tính đái tháo đường.
Có nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò của probiotic ở bệnh nhân bỏng trong việc lành thương và phòng, điều trị nhiễm khuẩn thứ phát. Probiotic bôi chứa L. plantarum làm giảm nhiễm trùng Pseudomonas aeruginosa trên mô hình chuột bị bỏng. Ở người, dùng L. plantarum trong bỏng độ 2 và độ 3 có tác dụng như bạc sulfadiazine trong việc giảm nguy cơ nhiễm khuẩn và giảm số lượng vi khuẩn, đồng thời kích thích mô hạt và lành thương tốt hơn.
2.6. Da nhạy cảm
Cơ chế của probiotic trong da nhạy cảm được giải thích qua cơ chế giảm khử hạt tế bào mast, giãn mạch, phù nề, giải phòng TNF-alpha, từ đó làm giảm triệu chứng trong da nhạy cảm. Nghiên cứu năm 2009 của Audrey Gueniche và cộng sự trên 66 bệnh nhân nữ có da nhạy cảm sau khi đánh giá bằng test acid lactic, chia thành 2 nhóm: 33 bệnh nhân được dùng kem có chứa Bifidobacterium longum ap 10%, và 33 bệnh nhân dùng giả dược. Kết quả cho thấy giảm triệu chứng có ý nghĩa sau 29 ngày ở nhóm bệnh nhân dùng Bifidobacterium longum ap 10%
2.7. Ung thư da
Rối loạn hệ vi sinh vật ở da có thể gây ra hiện tượng tăng sinh, từ đó tạo u. Có sự liên quan giữa nhiễm S. aureus và mức độ nặng của U lympho T ở da, thông qua vai trò của siêu kháng nguyên tụ cầu vàng trong việc tạo u.
Ngược lại, hệ vi sinh vật khoẻ mạnh có thể giảm tạo u do điều hoà hệ miễn dịch, kiểm soát phản ứng viêm. Lactobacilli đường uống có thể làm giảm tác hại của tia cực tím lên da, làm giảm nguy cơ ung thư.
3. TÍNH AN TOÀN VÀ LIỀU LƯỢNG CỦA PROBIOTICS UỐNG TRONG THỰC HÀNH LÂM SÀNG
3.1 Tính an toàn của probiotics
– Probiotics chủng Lactobacillus và Bifidobacteria đã được chứng minh là có tính an toàn cao trên lâm sàng. Cho tới nay, có trên 70 thử nghiệm lâm sàng đánh giá tính an toàn của sữa hay thức ăn có bổ sung các chủng vi khuẩn này trên hơn 4000 trẻ (cả đủ tháng và non tháng) cho thấy không có tác dụng phụ nào của các probiotics này. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức thực phẩm và nông nghiệp (FAO) công bố rằng “mối liên quan được ghi nhận giữa các nhiễm trùng hệ thống và các probiotics đã được chứng minh rất ít, chủ yếu xảy ra trên các bệnh nhân có các vấn đề y tế tiềm tàng”.
– Trẻ sơ sinh có thể bị các bệnh nhiễm trùng từ các chủng vi khuẩn cư trú trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, Bifidobacteria là chủng vi khuẩn chiếm ưu thế nhất (đặc biệt ở trẻ bú mẹ) trong hệ vi sinh đường ruột của trẻ, cho đến này chưa có bằng chứng nào về khả năng gây bệnh của Bifidobacteria được thông báo. Bifidobacteria cũng có mặt trong nhiều loại thức ăn đặc biệt là sữa chua được sử dụng trong khẩu phần ăn của trẻ khi trẻ đã cai sữa và không ghi nhận thấy trường hợp bệnh lý nào có liên quan đến nhiễm vi khuẩn huyết. Bifidobacteria được bổ sung trong sữa công thức và được sử dụng trên 15 năm trên toàn thế giới và không có trường hợp bệnh lý nào hay tác dụng phụ nào được ghi nhận.
– Các nghiên cứu hiện có đưa ra khuyến cáo sử dụng Bifidobacteria đặc biệt là B.lactis là probiotics duy nhất có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ sinh non. Lactobacillus đặc biệt là LGG là một probiotics có tính an toàn cao và thích hợp để sử dụng cho trẻ em nhỏ và trẻ lớn và người lớn.
3.2 Liều lượng probiotics
Mặc dù chưa có nghiên cứu nào xác định rõ liều sử dụng, liều probiotics trong các thử nghiệm lâm sàng khá dao động, khả năng sống được của vi khuẩn trong các thử nghiệm lâm sàng cũng chưa được ghi nhận một cách cẩn thận nhưng kết quả từ các nghiên cứu cho thấy liều lượng dưới 107 cfu/ngày (colony forming units) ít hoặc không mang lại được các cải thiện trên lâm sàng. Liều probiotics hàng ngày (phụ thuộc vào phương pháp xử lý và cách thức sử dụng) được sử dụng nhiều nhất trong các nghiên cứu là 108– 1010 cfu/ngày. Rất khó có thể quá liều các probiotics có nguồn gốc vi khuẩn vì nó phụ thuộc nhiều vào khả năng sống được và bám dính vi khuẩn sau khi vào trong cơ thể.
4. KẾT LUẬN
Hệ vi sinh đóng một vai trò quan trọng trong da liễu và ngày càng được nghiên cứu sâu hơn phục vụ cho điều trị. Probiotic tạo ra một môi trường vi sinh vật lành mạnh, giảm phản ứng viêm, cân bằng miễn dịch, ức chế các vi sinh vật có hại.